TÙY HỨNG PHÁP LÝ

TÙY HỨNG PHÁP LÝ
11:09 13 thg 12 2012Công khai37 Lượt xem 0

DƯƠNG PHI ANH

Tâm tư trước khi viết

Tôi ít khi viết đụng chạm tới các vấn đề lý luận, chính trị vì nghĩ sở học của mình còn quá đoản. Nó là sự vô cùng phức tạp, kèm cả sự “nhạy cảm” nên luôn làm tôi nơm nớp. Tôi đã từng gặp nhiều người mà chỉ xem bằng cấp, trình độ và quyền chức của họ là tôi đã “run”, không dám hó hé. Về mặt xã hội, trước đây tôi đã từng tin tưởng lắm về sự tốt đẹp của các vị lãnh đạo khi nghe, xem thời sự của VTV, VOV, báo Nhân Dân, QĐND, SGGP…
Nhưng, có những vấn đề khó hiểu không thể mãi làm ngơ, nằm yên trong vỏ kén được…
Trên tinh thần công dân, tôi viết bài này với mục đích góp ý sửa đổi hiến pháp một cách nghiêm túc. Cũng có nhiều điều không mới nhưng có nhiều điều tôi không hiểu, không thể hiểu nên viết để xin ý kiến! Tôi tạm gọi bài này là “Tùy hứng pháp lý” vì hai lý do. Nó không viết theo kiểu luận văn, mà theo kiểu “tôi thích”, hứng thú chủ đề gì thì chọn lọc đề cập vấn đề đó. Nên bài viết sẽ có sự lộn xộn nhất định!
Thứ hai, qua tham khảo các vấn đề quanh các bản hiến pháp trước đây, tôi thấy rằng trong một vài vấn đề cơ bản của hiến pháp, VN đã không tôn trọng như yêu cầu “tối thượng” vốn có của hiến pháp! Chứng tỏ, VN cũng là một trong những quốc gia mà truyền thống tôn trọng hiến pháp là điều đáng bàn. Hiến pháp thay đổi xoành xoạch như một bộ luật nào ấy (đã có các hiến pháp 1959, 1980, 1992 và chưa nói hiến pháp chế độ cũ). Trong đó, LẠ là còn có tình trạng “thích thì vận dụng, không thích thì… quên luôn” vấn đề nào đó dù hiến pháp có quy định. Chẳng hạn, có cả một bản hiến pháp tốt, được xây dựng một cách nghiêm túc, đúng quy chuẩn (có quốc hội lập hiến hẳn hoi) nhưng không được vận dụng trên thực tế. Đó là Hiến pháp 1946 (Bản hiến pháp này chỉ cần chỉnh sửa một số vấn đề cho phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế hiện nay là sẽ phát huy hiệu quả, chứ không cần rình rang tốn kém tài sản nhân dân – mà chưa chắc đã tốt)…
…Hoặc có một số chế định của hiến pháp 1992, đã rõ ràng, nhưng hàng chục năm nay “quên luôn”, không được cụ thể hóa bằng pháp luật để thực thi đúng, công bằng, phát huy hiệu quả. Chẳng hạn vấn đề Đảng lãnh đạo; vấn đề tín nhiệm, giải tán chính phủ…
Nên, phải chăng hiến pháp mới cần quy định nguyên tắc “rất VN” rằng “những vấn đề được quy định trong hiến pháp này phải nhanh chóng được luật hóa để thực hiện”?.
Tôi từng gặp một số đại biểu Quốc hội và cả người chuyên làm nhiệm vụ soạn thảo, ghi chép, chỉnh sửa các vấn đề mà đại biểu thảo luận, nhân dân góp ý…, nhưng có lẽ họ giỏi lĩnh vực khác chứ không phải lĩnh vực xây dựng luật; và họ làm đại biểu theo kiểu làm chính trị hoặc mục đích khác thì đúng hơn?!
Các vấn đề cơ bản của pháp luật họ (một số ĐBQH) chưa nắm thì không hiểu họ xây dựng pháp luật, giám sát… bằng cách nào? Đã vậy thì làm sao họ có thể bàn và biểu quyết về hiến pháp khi xem ra họ không hiểu cả tinh thần cơ bản của một bản hiến pháp là gì?!…
Nhưng sự đời đôi lúc không phải thế! Có người giỏi nhưng luật pháp vẫn dở. Một cựu nhà báo kể rằng: Anh có người thầy trình độ cao, khả kính. Trước đây, cuộc sống không giàu có, mà cũng chẳng nghèo, được nhiều người ngưỡng mộ. Cách đây mấy năm, thầy được chuyển về “gác cửa” chính sách, pháp luật cho một cơ quan lớn ở trung ương. Mới mấy năm mà nhà thầy là một biệt thự lộng lẫy giữa trung tâm thủ đô. Riêng hầm rượu của thầy cũng toàn hàng “độc”, giá trị rất lớn. “Mới có mấy năm mà sự vương giả, phù phiếm, lợm lợm đã che đi người thầy trí tuệ, thanh cao, khả kính ngày nào. Điều đó không biết đáng vui hay nên buồn. Những người trình độ cao, quyền chức cao mà chỉ lo vơ vét cho mình thôi thì giống như cá sấu thêm cánh?! Hỏi tại sao pháp luật VN vừa nhiều, vừa thiếu, vừa yếu, vừa phục vụ nhóm lợi ích nào đó và vừa như cái bẫy với nhiều người dân. Người dân và đất nước thì cứ tiếp tục điêu đứng, lầm than và nợ… muôn năm!…”. Cựu nhà báo kết luận.

Không thể làm ngơ

Sửa đổi lần này, nếu nói rằng “Hiến pháp 1992 đã phát huy vai trò trong giai đoạn lịch sử của nó như thế, như thế…, nhưng vẫn có một số khiếm khuyết cần sửa đổi như thế, như thế…” thì có lẽ chưa chính xác! Hãy nhìn vào thực trạng quản lý xã hội và cơ chế vận hành hệ thống chính trị có bị lộn xộn hay không sẽ thấy bản hiến pháp đó có tốt, có hiệu quả hay không?!…
Có hai nguyên nhân chính làm hiến pháp không tốt, không hiệu quả là: Hiến pháp được soạn thảo chưa rõ ràng hoặc chưa được thực thi nghiêm minh. Hiến pháp, pháp luật dù có tốt đến mấy mà vận dụng “tùy hứng” thì cũng như không có vậy…
Thực trạng xã hội khó kể ra đầy đủ, chỉ điểm qua bức tranh gần đây cũng thấy:
Các tập đoàn nhà nước như Vinashin, vinalines… đổ vỡ với hàng trăm ngàn tỷ đồng; thị trường tài chính, thị trường bất động sản… lộn xộn; ngành nông lâm sản bị thương lái người Hoa làm mưa làm gió, lừa gạt làm khốn đốn không biết bao nhiều lần; trên rừng dưới biển đều bị quậy phá, xâm lấn; tài nguyên quốc gia có biểu hiện khai thác bừa bãi; lòng tin con người trong xã hội bị xói mòn; trộm cắp, chém giết, lừa lọc ngày một tinh vi và man rợ hơn; người dân ngày càng khó khăn, điêu đứng; không ít phụ nữ, trẻ em bị bán ra nước ngoài làm vợ, làm gái, lao động khổ sai; đạo đức xã hội, liêm sĩ xuống cấp… Gần như mọi ngành quản lý dân sinh như văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao và các ngành thuộc hệ thống tư pháp các cấp, kể cả các đoàn thể, tổ chức xã hội… đều biểu hiện tiêu cực không hiếm, tham nhũng trở thành “bộ phận không nhỏ”, dân tình oan khiên phải “ra phố” khá nhiều…
Chính không ít cán bộ đàng hoàng, lao động chân chính, cũng than rằng việc làm sai của họ một phần do cơ chế, chính sách không đầy đủ, pháp luật không rõ ràng, minh bạch…
Nhưng, tôi vẫn tin người ta sẽ có biện pháp khắc phục. Tiến sĩ ở VN vào hàng “nhiều nhất Đông Nam Á” mà?! Với lại, “mọi việc đã có Đảng và nhà nước lo”…
Thấy trí thức, những chuyên gia chân chính, hết lòng vì dân, vì nước (và như thế là cả vì Đảng) can gián mà bị bỏ ngoài tai, không được trọng dụng, tin tưởng và thậm chí gặp tai họa, thấy buồn. Một người “vững lòng tin” (như tôi chẳng hạn) cũng đâm ra nao núng, nghi hoặc…
Nghi đầu tiên là lý luận! Phải chăng lý luận sai hoặc xa rời thực tế?
Xin điểm qua một vài chi tiết cơ bản (mà theo cách hiểu giản đơn, sơ đẳng của tôi là có thể vận dụng, thực hiện dễ dàng). Vậy mà tại sao thực tế lại càng ngày càng rối và khó đến thế?!.

“Xã hội đi trước”

Trước hết, tôi thích dùng cái tên gọi CNTB “giẫy chết” là “xã hội đi trước” hoặc “chủ nghĩa đi trước”. Bởi lẽ, về sự xuất hiện của “nó” thì cũng trước; sự thành công trong phát triển đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn mình của đại đa số “họ” cũng trước so với các nước thuộc nhóm “đang phát triển”, trong đó có VN, Trung Quốc… Và, nếu có “chết” thì chắc là họ cũng “chết” trước, trong giàu có, văn minh. Vì, như thế mới có “cái” mà kế thừa. Theo cách nói “cao hơn vì biết đứng trên vai người khác” thì hình thái kinh tế, xã hội đi sau, tiến bộ hơn một phần nhờ có sự kế thừa hình thái kinh tế, xã hội đi trước để/ mới phát triển hơn được…
Hình như các nhà lý luận kinh điển của “chủ nghĩa đi trước” có nói rằng quyền lực nhà nước là thứ luôn luôn có xu thế bị lạm quyền. Vì vậy, khi quyền lực lớn trao cho ai đó mà không có cơ chế kiểm soát thì chắc chắn lạm quyền là không tránh khỏi. Nói nôm na như các cụ xưa là lũng đoạn, là “đục nước béo cò”. Còn nói như gần đây là “nhóm lợi ích”, một cụm từ mà nghĩa đen bao trùm của nó luôn là biểu hiện sự tiêu cực, bè cánh, mafia làm hại dân, hại nước; chứ không phải hiểu “nhóm lợi ích” cũng có nhóm có lợi cho dân, lợi cho nước như thủ tướng đương nhiệm “luận” vừa qua. Lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, nhân dân chuyển về cho nhóm nào đó một cách chủ quan, tùy tiện, lách luật để hưởng lợi cho “bè phái” mình, mà bảo “có lợi” sao được?!…
Cũng theo các nhà kinh điển của “xã hội đi trước”, cơ chế kiểm soát phải bằng cái gọi là PHÁP LUẬT, với những quy phạm chặt chẽ và được thực thi nghiêm minh, mọi hoạt động của tổ chức, cá nhân trong xã đều phải tuân thủ pháp luật, chứ không phải là sự vận động rèn luyện theo kiểu phong trào, dễ tùy hứng; là “phê và tự phê” theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” úp úp, mở mở…
Sự lãnh đạo, quản lý quốc gia cần thiết sự minh bạch bằng thông tin, pháp luật chứ không thể bằng kêu gọi, vận động chủ quan, cào bằng. Người ta hiểu rất rõ rằng chẳng ai tự nguyện từ bỏ quyền lợi do quyền lực nhà nước mang đến nên không thể vận động khơi khơi mà phải bằng pháp luật với những giả định, chế tài cụ thể. Đó cũng là một nguyên tắc tiến bộ của “xã hội đi trước”…
Cũng phải trải qua thời gian dài thực nghiệm, bằng những bộ óc thiên tài, “xã hội đi trước” đã đề ra cái nguyên tắc bất hủ là “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Ai cũng biết, không thể có một đất nước văn minh nào mà không áp dụng nguyên tắc này. Áp dụng càng nghiêm túc thì đất nước càng phát triển, dân chủ, văn minh…
Nhưng, trong trường hợp mọi người không thể bình đẳng một cách tuyệt đối trước pháp luật và sự lạm quyền vẫn xảy ra như sự đương nhiên thì sao? Thì người ta có cơ chế để cương tỏa quyền lực, mà cụ thể gọi là cơ chế “kìm chế, đối trọng”.
Muốn có đối trọng để kìm chế quyền lực lẫn nhau, tránh được lạm quyền thì không có cách gì khác là phải có hai thực thể trở lên. Nếu không thì làm sao có “đối trọng”?!
Đến đây nhớ lại thì hình như chính ông Mác cũng nói: Sự tồn tại biện chứng (khách quan) của các mặt đối lập và; Phát triển là quá trình vận động, đấu tranh giữa các mặt đối lập trong một thể thống nhất, hoàn chỉnh (các nhà triết học cao siêu của VN gọi là “chỉnh thể”)?!…
Có lẽ, cho đến khi chính các nước XHCN ở Liên Xô, Đông Âu “giẫy chết” thì người trong cuộc mới xem lại lý luận của Mác một cách có lý trí, nghiêm túc, khách quan chứ không còn cảm tính, mù quáng, thiên lệch. Không ít người nhận ra rằng chính các nước tuyên bố theo CNXH thì lại “làm ngược” những lý luận cơ bản của Mác nhất. Cụ thể, trong khi chủ nghĩa Mác luôn đề cao sự tồn tại khách quan, hợp quy luật thì chính các nước sụp đổ lại là những “chuyên gia” áp đặt “chủ quan, siêu hình” khi thực hiện chính sách kế hoạch hóa, bao cấp, chuyên chế. Thứ mà các nhà lý luận sau này “tự phê” gọi là “chủ quan duy ý chí” – luôn đi ngược sự thật, sự tồn tại khách quan.

Sự nghi ngờ

Phải chăng, đến nay người ta một lần nữa lại quên đi khái niệm “các mặt đối lập”?
Vì, khi quyền lực chỉ còn một cực, khi mầm móng cho sự xuất hiện cái mới đã bị bóp chết trong trứng nước, thì làm sao có “mặt đối lập” để có “đấu tranh giữa các mặt đối lập” mà phát triển theo đúng lý thuyết mà Mác vạch ra?!
Mặt khác, không hiểu sao, từ lâu tôi nghi ngờ từ “đấu tranh” khi nói rằng “phát triển là quá trình vận động, đấu tranh giữa các mặt đối lập”. Có một người nghiên cứu triết học, giỏi tiếng Anh và tiếng Đức nói rằng không hiểu vì mục đích chính trị hay kém ngoại ngữ mà sách triết học Mác bằng tiếng VN rắc rối, sai nhiều khái niệm và định nghĩa cơ bản so với bản gốc của nó (?).
Sở dĩ tôi nghi ngờ từ “đấu tranh” vì đấu tranh sẽ dẫn tới hai hệ quả. Một là: “các mặt đối lập” mà đấu tranh, chiến đấu với nhau thì sẽ có bên chiến thắng, xuất hiện yếu tố mới để phát triển. Nhưng khi chiến thắng rồi, bên chiến thắng sẽ luôn muốn nắm giữ quyền, kìm hãm, không cho yếu tố khác xuất hiện mà muốn “một minh một chợ” thì cũng không thể còn ai mà “đấu tranh” theo đúng lý luận “đấu tranh – phát triển”. Hai là: Khi đấu tranh sẽ dẫn đến sự tự triệt tiêu sức mạnh của mình và của nhau, làm sao “đủ sức” để cùng phát triển. Các cụ xưa nói rồi “ngao cò tranh đấu (yếu đi), ngư ông đắc lợi” mà…
Vấn đề này, xem ra các nước mà ông Mác sống và nghiên cứu ngày xưa giải quyết hợp lý hơn. Họ sau này không thiên về cơ chế “đấu tranh” mà tạo ra cơ chế “cạnh tranh”. Mà cạnh tranh phải là “cạnh tranh lành mạnh” để các bên đều thắng. Bên nào ở thời điểm nào đó có phương pháp phục vụ nhân dân, khách hàng tốt thì sẽ thắng, nhưng không bao giờ là vĩnh viễn. Bởi, họ hiểu quy luật “sống lâu lên lão làng” và bảo thủ. Nên, đi đôi với cạnh tranh lành mạnh là họ luôn cương quyết chống độc quyền…
Đi trước các nước đang phát triển hiện nay hàng trăm năm, tiếp thu với hàng loạt học thuyết chính trị, triết học, kể cả triết học của Mác, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão…, chắc chắn các nước phát triển hiện nay chẳng “ngu” đâu khi họ không để cho một tập đoàn, một tôn giáo, một đảng phái chính trị…, độc quyền; hoặc cho phép một bên nào đó của “các mặt đối lập” dùng thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh. Vì như thế họ biết rằng không bao giờ đem đến sự phát triển lành mạnh, bền vững, dân chủ, tiến bộ…
Cũng theo cách làm của “xã hội đi trước”, khi các tập đoàn cùng ngành nghề có đối thủ cạnh tranh, họ phải luôn luôn thay đổi để ngày càng phục vụ khách hàng của mình tốt hơn; khi có các đảng phái chính trị cạnh tranh lành mạnh thì các đảng luôn phải chứng tỏ rằng mình có những chiến lược, chủ trương, chính sách tốt nhất để phục vụ quốc gia, nhân dân tốt hơn đảng kia. Và cứ thế, nhân dân được hưởng…
Luật pháp của họ không để cho hai phe “đấu tranh” như ở Thái Lan và một số nước khác, làm triệt tiêu sức mạnh xã hội. Nhắc đến Thái Lan, nhiều người sẽ nói “Đó! Đa đảng đi rồi mà hỗn loạn”. Có lẽ, chỉ một vài nước như Thái Lan thôi và cũng do luật pháp để cho hai phe đấu tranh, lộng quyền mới như thế. Nhưng, dù sao thì Thái Lan còn có Vua, người luôn được các phe kính nể, là biểu tượng thiêng liêng của quốc gia và bất khả xâm phạm. Theo đúng với mô hình của chính thể quân chủ lập hiến thì vua lúc bình thường thì “lùi về với ngai vàng”, nhưng trong trường hợp có chính biến, vua là biểu tượng quốc gia thiêng liêng sẽ đứng ra dàn xếp và có quyền hạn bắt buộc các bên phải tuân thủ…
Về mặt nhà nước, người ta rút ra công thức kinh điển rằng phải có sự độc lập tương đối giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ngay trong các nội bộ ở ba quyền này cũng phải tạo ra cơ chế kìm chế, đối trọng để luôn có sự cương tỏa, khắc chế sự lạm quyền lẫn nhau giữa mỗi cấp quyền lực và mỗi thực thể thực hiện quyền lực đó.

Đảng cầm quyền!

Phần trên là chuyện các nước thuộc “xã hội đi trước”. Còn ở VN thì đã “nhất quyết” một đảng cầm quyền rồi! Có lẽ lý thuyết “mặt đối lập” không tồn tại trong mô hình một đảng và một đảng “thống nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội”, do chỉ còn một cực?! Vì vậy, phải chăng, về lý thuyết, như đã dẫn, khi không có đấu tranh, cạnh tranh giữa các mặt đối lập thì sự phát triển sẽ là … chưa có điều kiện kiểm chứng?!
Trong một xã hội có nhà nước văn minh, không phân biệt chế độ chính trị nào thì nguyên tắc mọi người luôn luôn tuân thủ Hiến pháp, pháp luật phải được đưa lên hàng đầu. Pháp luật càng chặt chẽ, đầy đủ, dễ hiểu, dễ thực hiện và người áp dụng (dùng cho nhà nước) và người vận dụng (dùng cho người dân) đều thực thi, chấp hành một cách nghiêm túc thì hiệu quả pháp luật, hiệu quả quản lý xã hội sẽ cao.

Ở VN, ngay những vấn đề quan trọng bậc nhất lại quy định chung chung, trừu tượng. Nên với trình độ còn hạn chế như tôi thì chưa thể hiểu nỗi, không thể hiểu nổi! Tôi viết ra đây để xin tham khảo ý kiến:

Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nói: “Đảng ta là đảng cầm quyền”; còn Điều 4 Hiến pháp 1992 thì nói: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Có lẽ, qua các văn bản, tác phẩm đã công bố, cách dùng từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiếm khi sai! “Cầm quyền” ở đây là cầm, giữ quyền lực nhà nước. Mà quyền lực nhà nước là của nhân dân. Sự trao quyền này không có tính chất vĩnh viễn mà theo nhiệm kỳ, tùy vào sự tín nhiệm của nhân dân với đảng cầm quyền. Cụ thể, nhân dân chỉ trao quyền cho đảng “cầm quyền” thông qua chính phủ, cơ quan hành pháp, để điều hành đất nước, phục vụ, bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành các mối quan hệ xã hội và tổ chức xã hội, quyền cơ bản công dân, lợi ích quốc gia…

Chức năng lớn nhất của đảng phái chính trị là để được “cầm quyền” do nhân dân trao, tập trung ở cơ quan hành pháp, tức là chính phủ thôi. Nói tóm lại, mục tiêu mà các đảng hoạt động là chỉ để được nhân dân trao quyền thành lập chính phủ mà thôi. Nếu không còn tin tưởng hay không hiệu quả trong “cầm quyền” của chính phủ với quốc dân thì nhân dân có quyền lấy lại bằng một cơ chế do pháp luật quy định. Vì vậy, rất nôm na, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nếu chính phủ làm hại dân thì nhân dân có quyền đuổi chính phủ”. Điều này hết sức phù hợp với thông lệ quốc tế về các đảng phái chính trị…

Còn việc Đảng “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” thì quả là khái niệm rộng, trừu tượng vô cùng. Người lãnh đạo thì bao giờ cũng “trên” người khác – người bị lãnh đạo, một bậc? Về kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật, khi khái niệm càng rộng, càng trừu tượng, dàn trải thì khó mà phát huy hiệu quả trên thực tế. Bởi, người ta rất dễ hiểu không đầy đủ, hiểu sai, lệch. Mà khi đã hiểu sai, lệch thì rất dễ dẫn đến tình trạng làm sai, lách luật, lạm quyền…

Cũng vì “hừng hào” với khái niệm “lãnh đạo toàn diện” như vậy, có người bảo đảng ta là đảng dân tộc, đại diện toàn diện của dân tộc VN. Nói vậy thì khi đảng đúng thì dân tộc VN đúng, mà khi đảng sai thì dân tộc VN cũng sai theo à? Thực tế lịch sử cho thấy không phải lúc nào chủ trương, chính sách của đảng cũng đúng…

Cho đến nay, hình như nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” đã chưa có điều kiện điều chỉnh đến tổ chức Đảng. Vì Luật về Đảng cũng chưa có. Quả là tôi không hiểu điều này!

Rõ ràng, quy định Đảng lãnh đạo cả “xã hội” thì quá rộng? Không ai thiên tài biết hết mọi ngóc ngách quan hệ của xã hội để mà lãnh đạo cả. Cho dù lý luận rằng đảng chỉ lãnh đạo bằng chủ trương, định hướng, chính sách chung của các quan hệ xã hội thì ngay quy định này dễ dẫn tới xa rời chức năng cơ bản mà một đảng phái chính trị luôn luôn có. Đó là chức năng cầm quyền, giới thiệu nhân sự điều hành nền hành chính quốc gia chứ không phải chức năng lãnh đạo mọi mặt, mọi quan hệ của đời sống xã hội. Phải chăng đó là xu thế mở rộng quyền lực hiển nhiên mà các nước “xã hội đi trước” đã trải qua nên họ có cơ chế kìm hãm?! …

Năng động hành pháp, ổn định lập pháp, tư pháp

Quyền lực nhà nước có ba quyền cơ bản: Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp. “Xã hội đi trước” phân tách ba quyền này một cách độc lập. Xã hội “quá độ lên CNXH” ở VN thì bảo là ba quyền này phải thống nhất và có sự phân công, phân nhiệm… Tôi cũng không rõ “thống nhất” như thế nào, “thống nhất” về đâu khi ba cơ quan này có chức năng hoàn toàn khác nhau và trong hoạt động có đặc thù riêng?! Có cơ quan đòi hỏi phải có sự liên quan với đảng cầm quyền mới tốt (chính phủ); có cơ quan càng không có liên quan, can thiệp càng tốt (tư pháp) hoặc có can thiệp, liên quan nhưng phải đối trọng, phản biện mới tốt (Quốc hội).

Về chính phủ, khi thành viên của đảng cầm quyền được tỷ lệ phiếu bầu cao của dân thì được đứng ra thành lập chính phủ và ngược lại nếu chính phủ bị phiếu tín nhiệm thấp thì phải từ chức, giải tán để mở đường cho việc thành lập chính phủ mới. Có thể hiểu, lãnh đạo chính phủ chỉ là một ê-kíp được lập ra để điều hành nền hành chính quốc gia (không làm kinh tế) theo sự chỉ định của đảng cầm quyền tại một thời điểm nhất định mà thôi. Vì thế, trong trường hợp điều hành yếu kém, không hiệu quả, mà không thể thay đảng cầm quyền, thì việc thay lãnh đạo chính phủ để phục vụ nhân dân tốt hơn là điều hết sức bình thường!… Chính phủ là cơ quan điều hành, quản lý nên luôn được/phải tiếp cận với nhiều thông tin, xu hướng phát triển nhiều mặt của xã hội, nên người ta phải đặt cơ chế tồn tại, phát triển, giải tán một cách năng động. Sự giải tán chính phủ không làm xáo trộn cơ bản các mối quan hệ, tồn tại khác trong xã hội. Nên như Nhật Bản, thay đổi chính phủ liên tục nhưng xã hội vẫn hết sức ổn định…

Quyền điều hành đất nước ảnh hưởng tới đa số các quan hệ xã hội nên vô cùng quan trọng. Vì vậy, đúng ra, những luật cơ bản trong tổ chức, vận hành bộ máy nhà nước, đặc biệt là cơ quan hành pháp thì phải có luật quy định rõ ràng, chặt chẽ và sớm nhất. Nó là bản lề cho mọi hoạt động quản lý, vận hành đất nước. Thế nhưng, đến nay đã mấy chục năm rồi mà chưa có luật về bỏ phiếu tín nhiệm thành viên chính phủ (chẳng hạn) nên hiệu quả không cao cũng chẳng trách nhau được!…

Ngược lại, bên lập pháp và tư pháp cần tính chất chuyên ngành, kinh nghiệm cao nên phải có sự ổn định, cần cơ chế ổn định. Vì vậy, người ta phải có đa số đại biểu quốc hội là chuyên nghiệp; thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời…

Chức năng lớn nhất của phía Tư pháp là trọng tài phán quyết theo pháp luật, nên cần sự độc lập để không đứng về bên nào. Khi luật pháp phát triển dân chủ, chính cơ quan nhà nước, kể cả tổ chức đảng cũng là đối tượng có thể bị kiện thì liệu “đảng lãnh đạo” cơ quan tư pháp có tạo ra sự bình đẳng khi tòa phải phán quyết người “lãnh đạo” của mình? Rõ ràng, nếu có sự lãnh đạo về mặt tổ chức, chính trị thì quyền tài phán độc lập chắc chắn bị ảnh hưởng, khó công bằng. Tương tự, phía lập pháp cũng vậy. Vì Đảng lãnh đạo nên “bảo” chưa ra luật này, chưa ra luật kia theo chủ trương thì Quốc hội phải tuân thủ?!…

Trong khi đó, luật do Quốc hội làm ra để điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản, cần thiết trong xã hội, kể cả tổ chức đảng nên quốc hội phải độc lập, không lệ thuộc đảng mới đúng…

Phải có quá trình mới nhận thức được?

Có những điều hiển hiện đấy, hiệu quả đã được kiểm chứng đấy, nhưng người ta không muốn thì cũng không thể thành hiện thực. Thay vì nếu nói vận dụng triết học của Mác, đầu tiên phải là sự chọn lọc, kế thừa thì người ta lại phá bỏ, làm lại. Làm mới rồi cũng phải “trở lại đường rầy” nhưng do muốn chứng tỏ nên “làm khác đi” một tý, một cách duy ý chí.
Thực ra, tổng kết lại, mặc dù VN không có nền triết học đúng nghĩa, không có truyền thống triết học nhưng chỉ cần học kinh nghiệm từ cha anh của mình thôi cũng đủ. Các cụ bảo “ăn cơm đi trước, lội nước đi sau”. Dù muốn hay không thì thực tế rất nhiều điều VN mình đi sau, đến sau rồi. Vì vậy, cần phải luôn biết tận dụng lợi thế của người đi sau chứ không phải “đi tắt, đón đầu” như nhiều người nghĩ. Không thể nào đi tắt, đón đầu được khi nền tảng của mình chưa có. Trong công việc “lội nước”, sáng suốt biết, lựa chọn con đường hiệu quả đã được kiểm chứng và biết tránh những điều bất lợi để không đi vào vết xe đổ là quý lắm rồi! Chỉ cần kế thừa những điều tốt, hiệu quả đã được kiểm chứng, không cần thử nghiệm mô hình nào mới mà chưa kiểm chứng hiệu quả, thậm chí đã bộc lộ khiếm khuyết, thì cũng sẽ lập tức đưa đất nước đi lên…
Đúng như lý luận của chủ nghĩa Mác, nói “nhận thức là cả quá trình”. Có lẽ do… chưa đủ quá trình nên chúng ta chưa nhận thức được? Chưa biết đến bao giờ mới đủ “quá trình”?…
Chủ tịch HCM từng nói: “…Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Rõ ràng, nếu có một thực thể, một đảng phái nào luôn đặt lợi ích chung quốc dân lên làm đầu, luôn đau đáu tìm cách làm cho dân được hưởng ấm no, hạnh phúc, quốc gia ngày càng hưng thịnh thì dù đảng phái mang tên gì nhân dân cũng coi trọng!..

Leave a comment