TRIẾT LÝ BỐNG DỪA

Phóng sự vui (Lời nhân vật nhiều chỗ “trùng” với lời tác giả (Hiii) và bạn đọc cần kiểm chứng vài chi tiết trước):

Nhã dùng móng ngón tay cái phải, ngắt đoạn ngắn thân của con vật giống con giun mềm, nhầy, màu đỏ, có chân như sâu róm đánh “sật”, rồi thoăn thoắt móc vào lưỡi câu, cầm cần cho mồi xuống nước, giật lên liền. Chúng tôi có cảm giác nổi da gà. Một con cá bằng ngón tay cái đã dính câu. Nhã hươ cả cần và cá lên khoe với chúng tôi một cách hãnh diện, gỡ cá ra, sửa lại mồi, cho xuống nước tiếp… Nhã không hề để ý chúng tôi vừa chụp hình cậu bằng điện thoại di động. Ngón tay Nhã vừa ngắt mồi quệt ngang ống quần, rồi chống nạnh, tay trái cầm cần. Cần là một nhành tre thô. Như đoán được suy nghĩ, Nhã chủ động với chúng tôi: “Với loài cá bống dừa này thì mồi bằng con hà đỏ như thể là thuốc phiện ấy. Thường phải ngắt mồi bằng tay thì nó thích hơn. Giống như chúng ta thích các món dân dã được chế biến thủ công, để ngoài việc ăn thực phẩm thì còn thưởng thức tay nghề và tâm hồn khác nhau của người làm ra sản phẩm ấy. Người câu cá bống dừa mà sạch sẽ, tinh tươm thường câu được rất ít. Hình như, nó thích mồi của những người có mùi vị quyện lẫn giữa chất tanh của con hà, bùn và mồ hôi quần áo (?!)…”.
Tôi hỏi: “Anh câu đã lâu chưa mà có vẻ chuyên nghiệp vậy?”. Như “trúng đài” của Nhã: “Phải nói rằng “tiêu dao trời rộng sông dài” mới là chuyên nghiệp của chúng tôi! Thực ra, chúng tôi đi câu ở đây đều là nhà báo, nhà văn, kiến trúc sư, kỹ sư, doanh nhân, công chức và cả một số em sinh viên. Trước đây, công việc ngập mặt, làm gì có chuyện đi câu thế này. Hơn nửa năm qua, nền kinh tế sa sút, sản xuất kinh doanh nói chung của xã hội đình đốn; báo chí đứng đắn cũng không thoát ngoài quy luật, trừ những tờ báo không cần ra sạp thì ngày càng “sống phẻ”. Chúng tôi gần như không muốn làm gì nhiều vì có cảm giác càng làm càng bế tắc. Ăn nhậu với nguồn tin, với chiến hữu nhiều thì tốn tiền nên chúng tôi cùng quyết định câu cá bống dừa, vừa giúp cân bằng sinh thái cho loại cá này và các loài khác, vừa kiếm mồi nhậu với rượu nút lá chuối cho qua ngày. Chờ Hội Nghị Trung ương 7 và quy định công an được quyền truy nguồn tin nhà báo xong xuôi rồi… nghỉ làm việc luôn một thể. Câu bống dừa cũng là sự tập dượt cho những khoảng thời gian không báo chí của bọn tôi để tìm đường cứu… thân. Nhưng dù gì thì bọn tôi cũng không thể bỏ quên thú vui “tiêu dao trời rộng sông dài được”. Không tin, anh có thể hỏi anh Mạnh đang ngồi câu bên kia kìa”.
Theo tay Nhã chỉ, chúng tôi đến gần anh chàng chân đang vắt lên gốc dừa nước. Tay cầm cần nhưng có vẻ đang suy nghĩ gì lung lắm, chứ không tập trung câu cá như Nhã. Thấy chúng tôi lại, anh cười ngoác miệng, dơ hàm răng đen khói thuốc. Cặp mắt khi cười không rõ anh có nhìn thấy chúng tôi không (?). Được cái, anh nói chuyện phóng khoáng. Trong câu chuyện, Mạnh tỏ ra có chút khinh đời, ngang tàng với những kẻ anh cho là “ăn trên ngồi trốc”. Mạnh kể: “Tôi được đánh giá có chút năng khiếu thông tin, tường thuật trong mảng Nghị trường, họp Hội đồng nhân dân hoặc “đi hầu” anh Ba, anh Tư, chị Năm anh Bảy… về cơ sở làm việc. Đã đi đưa tin “vuốt đuôi” cho người ta nhưng mỗi lần lại phải qua mấy vòng kiểm tra, xin xỏ được vào, nhiều khi phát tiết. Đã vậy thì “bọ” không thèm nữa; “bọ” có cách của “bọ” là chơi thân với mấy đồng nghiệp Thông tấn xã, VTV, Phát Thanh và các báo khác. “Bọ” cứ đi câu cá và đàn đúm rồi “bọ” xin tài liệu, bọ hỏi nhiều “nguồn tin nhà báo” khác nhau thì “bọ” cũng có tin bài. Tiền nuôi gia đình, vợ “bọ” trang trải đủ nên tiền nhuận bút nhận ra, “bọ” lại mời chiến hữu đàn đúm. Nói thật là mảng này có cái dễ là phát biểu chỉ đạo của ông nào cũng có “khuôn” chung chung cả, đi riết, nghe riết thành quen nên chỉ cần chính xác thông tin cơ bản là có thể “múa” mà không sợ sai. Nhiều khi bài của tớ còn hay hơn bài của vài anh em nghe trực tiếp mới đểu chứ. Một điều nữa, tôi nói thật với mấy anh là tôi ghét cay, ghét đắng sự giả dối nhân nghĩa, đạo đức. Đôi lúc đi ra thấy một số đối tượng bản thân “thúi hoắc” lại còn ra giảng sự trong sáng, đạo đức nên chịu không nổi. Bởi vậy, trên FB của mình, tôi thường tự nhận là “tôi dâm tặc, tôi thích gái đẹp…” là để dạy cho những kẻ tham, sân, si vô độ nhưng khi nào cũng lãng tránh, lại rao giảng đạo đức… cần thiết phải biết liêm sĩ. Tôi cứ nói trắng ra rằng tôi có một vợ, một con rồi nhưng bây giờ có cô hoa hậu nào mà cho tôi “sờ tý” thì tôi đâu từ chối. Còn hơn khối kẻ thèm…, hoặc lén lút rồi nhưng không dám nhận, lại rao giảng về sự quan trọng của chế độ một vợ một chồng và sự xấu xa của những kẻ dâm ô, chung chạ. Đúng không nào?!…”. Đến đây, Mạnh lại có lẽ lại “không nhìn thấy chúng tôi nữa”.
Nói vậy chứ khi đề cập đến chuyện tương lai nghiêm túc, Mạnh tỏ ra chín chắn. Mạnh kể, ngoài làm báo, cách đây mấy năm có đầu tư vốn làm ăn với mấy anh em nhưng do chung chạ, không hiểu công việc nên thất bại. Trải qua bao năm lăn lộn, giờ mới thấy tự tin để mở gì đó làm ăn tiếp, chứ làm báo chân chính trong thời điểm hiện nay chỉ đủ nuôi thân là giỏi. Nhưng tình hình này thì có lẽ làm và chơi cầm hơi qua ngày có vẻ ổn hơn. Mạnh bảo có căn nhà ở quận 3, mọi năm có người năn nỉ với giá 175 cây vàng nhưng do chưa có hướng gì khả quan nên không bán. Nay, có hướng muốn bán để mua mấy ngàn m2 ở khu vực này chẳng hạn, còn lại có vốn làm ăn. Nhưng, khổ nỗi thị trường bất động sản đóng băng, nhà giờ bán khó, giá thì chắc hơn một nửa trước đây. Bán rồi, cầm tiền gửi ngân hàng thì không bằng tiền mất giá; mua vàng thì “ngàn cân treo sợi tóc” khi giá chênh lệch giữa vàng “ta” với vàng thế giới chưa từng có và thị trường vàng có dấu hiệu bất thường; mua chứng khoán chắc về cho con “làm giấy vẽ cho vui”; đầu tư sản xuất thì thấy ngành nào cũng đang ngáp ngáp, thu hẹp, mà mình lại bung ra làm là đi ngược lại “quy luật thị trường”. “Tốt nhất là chờ Hội Nghị Trung ương 7 và quy định công an được quyền truy nguồn tin nhà báo xong xuôi, chờ đồng chí ấy “ổn định kinh tế vĩ mô”; chờ kết luận xem có “nhóm lợi x” nào hiển hiện không; có thì họ sẽ nhường lại phần nho nhỏ nào đó thì cùng với bà con đầu tư tý chút kinh doanh kiếm lời phần đó. Trước mắt, câu bống dừa vừa tiết kiệm, vừa khỏi nặng đầu là giải pháp tạm ổn nhất!”. Mạnh kết luận.
Tiếng sòng sọc rít lên từ bên kia bờ rạch. Người trẻ mặc áo thun xanh, bụng hơi phệ đang ngồi bệt trên bờ rạch và phả khói vào không gian khoan khoái. Đó là nhà văn trẻ, nhà báo Thuận. Anh mang theo điếu cày khi đi câu cá. Chúng tôi lại, anh nâng chiếc cần câu lên. Tôi nhanh nhảu bảo “mất mồi”. Thuận bảo, không phải, từ nãy tới giờ anh “cho cá ăn mồi” chứ không dùng câu. Thuận cho biết: “Câu một hồi, tôi phát hiện có hai ổ cá con có kích thước khác nhau. Chúng tham mồi lắm. Bố mẹ chúng cũng tham mồi nhưng có “kinh nghiệm” nên kỹ hơn một chút. Tôi nghĩ câu bố mẹ chúng thì lũ con bơ vơ, mà câu con non trẻ thì cũng tội nghiệp nên cất lưỡi câu. Tôi cột mồi cho nó ăn được thế nào tốt thế đó và giật để “dạy” cho nó bài học thôi. Ấy thế mà hai “phe nhóm này” cũng tranh giành nhau dữ lắm. Nếu tôi chú tâm thì bắt hai ổ này không khó chút nào”.
Tôi hỏi đến cái điếu cày, Thuận giải thích: Sở dĩ anh hút điếu cày và đang tập cho bạn anh như Nhã, Mạnh… hút điếu cày vì kinh tế gia đình thế này hút thuốc lá vừa có hại sức khỏe, vừa có hại túi tiền. Nên để dành tiền đóng học cho con! Điếu cày vừa ít hại sức khỏe, vừa chỉ mất khoảng chục ngàn đồng mỗi tuần nên đỡ lắm. Hơn nữa, nhà nước vừa ban hành nghị định hạn chế hút thuốc lá, việc mua bán khó khăn, lại bị cấm nơi công cộng. “Cấm thuốc lá thì ta hút thuốc lào, vừa “nâng cao sĩ diện”, vừa không bị cấm đoán gì cả có tự do hơn không (?!). Tôi bảo anh em mỗi đứa sắm một cái điếu, đem bỏ phòng làm việc và nửa tiếng thì “réo ra, réo rắt” một vài phát, vừa vui tai lại không bị luật pháp cấm, vừa kinh tế…, có phải “nhất cử tam tứ tiện” không?”. Nhìn vậy mà Thuận biết hài ra phết…
Trời bỗng mưa nặng hạt. Ai cũng im lặng tập trung cho công việc giật lên, gắn mồi, bỏ câu xuống… Một hồi sau, tiếng anh chàng bên cạnh tôi cất lên: “Nghỉ thôi, nước xuống rồi, cá không ăn nữa đâu!”. Tôi hỏi: “Ủa, nước xuống là cá không ăn nữa à?”. Anh trả lời: “Đúng vậy! Khi nước lên, bùn kéo theo cả những phù sa theo và tất cả các loài ăn theo con nước, rồi cá bống dừa cũng theo đó mà bắt mồi. Khi nước xuống, anh thấy đấy, nước trong veo, các loài đã ăn no đủ rồi nên không ăn mồi nữa. Bây giờ, có lẽ đã no say nên chúng đang đàn đúm, kết bè phè phỡn đâu đó để sinh sôi nảy nở chứ không thèm mồi màng nữa. Chúng chỉ đói và tham ăn khi nước vẫn đục thôi”. Tôi hỏi lại: “Thế sao anh không thử khuấy cho nước đục rồi câu tiếp xem sao?”. Hơi bất ngờ, một phút định thần, anh trả lời: “Không! Bống dừa biết rõ là khi nước bắt đầu xuống thì dù chỗ nào đó đục cũng không còn thức ăn hấp dẫn nữa. Với lại, lúc này nó đã no rồi, không cần nữa!…”. 
Mọi người tập trung về một nhà gần đó rửa người, rửa cá thật sạch, bỏ nồi kho tiêu. Kiếm thêm vài trái xoài xanh, những thứ rau thơm khác trong vườn và cả lít rượu mà họ gọi là “nút lá chuối”. Chúng tôi cùng tham gia vui vẻ với mọi người. Thuận kể câu chuyện “tha” cho hai ổ cá, mọi người tỏ ra tiếc rẻ. Theo nhiều ý kiến, cá bống dừa mà câu theo phương pháp thủ công thế này ở con sống Tắc, quận 9 còn chưa bị ô nhiễm thì không bao giờ sợ hết, chỉ có thể quá nhiều làm mất cân bằng sinh thái đối với các loài khác mà thôi, vì nó ăn nhiều, ăn được nhiều loài khác nhau…
Ra về, ngà ngà say, Nhã lại ôm vai tôi nói nhiều lần: “Anh thấy bọn em có “tiêu dao trời rộng sông dài không? Anh thấy…”.
Đó chỉ là mới triết lý của mấy anh em làm báo. Còn những người khác?
Quả là một ngày vui!

Ảnh 1: Nhã Thuận đang câu cá
Ảnh 2: Mạnh câu một cách mông lung
Ảnh 3: Thuận với điếu thuốc lào.

Leave a comment