Bài viết

Phó giáo sư – Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa:

LUẬT PHÁP PHẢI BẢO VỆ DÂN NGHÈO

TAM MAO thực hiện

 

· Thích nói chuyện luật vì “không chỉ là công cụ, pháp luật là văn hóa”, PGS-TS Phạm Duy Nghĩa có nhiều năm nghiên cứu, trăn trở đưa ra nhiều ý tưởng trong xây dựng luật và xã hội. Ông luôn mong muốn “Việt Nam dám so mình với thế giới bên ngòai… ”.

 

Ngay từ đầu, PGS TS Phạm Duy Nghĩa “rào” trước là chỉ nói về chủ đề xây dựng luật chứ không nói chủ đề khác, đặc biệt là về bản thân, vì theo ông “bản thân ông chẳng có gì để nói cả!”. Tôi hơi thất vọng nhưng hóa ra chủ đề xây dựng luật đã bao hàm hết các vấn đề mà tôi đã chuẩn bị để hỏi trước khi gặp ông…

(St) Quan tâm tới dân nghèo

– Thưa ông, được biết cách đây không lâu, trên một tờ báo, ông nói rằng “Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (Hiến pháp 1946 – NV) còn nguyên giá trị bởi mỗi chữ còn vang vọng tiếng dân!…”. Một vài tờ báo nước ngòai “tụng ca” ông nhưng hình như méo mó, sai ý của ông?

+ Xin ông không quá quan tâm tới những bình luận đầy tư ý của người khác. Qua nghiên cứu, tôi nghĩ chúng ta vẫn còn phải học nhiều về bản Hiến pháp dân chủ nhất Đông Nam Á thời bấy giờ này. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Hiến pháp 1946 đúng nghĩa là Hiến pháp. Nó bảo vệ dân quyền cao độ; đúc kết được tinh hoa nhân lọai; súc tích, minh bạch; có khả năng phổ quát và bền vững với thời gian; Nó xây dựng được một nguyên lý giữ gìn xã hội với các chủ thể cùng chung sống một cách khoan dung và hòa bình; trong đó, nhà nước cũng là chủ thể phải tuân thủ pháp luật như bất cứ người dân nào… Cũng may là sau nhiều lần sửa đổi, xa rời tinh thần Hiến pháp ban đầu thì Hiến pháp hiện hành (1992) có nhiều điểm quay trở lại, như: Xây dựng xã hội pháp quyền; người dân được công nhận quyền sở hữu tài sản; quyền tự do kinh doanh; quyền khiếu nại, tố cáo…

– Tại sao ông luôn cho rằng luật pháp trước hết phải quan tâm tới quyền lợi của dân nghèo, đúng ra phải quan tâm tới tất cả mọi đối tượng trong xã hội chứ, thưa ông?

+ Một cảm nhận chua chát, song có thể cần lưu tâm đó là pháp luật thường chịu ảnh hưởng đáng kể của người có tiềm năng tài chính. Người giàu thường có điều kiện vận động luật pháp có lợi cho họ. Vậy ai sẽ lưu tâm đến lợi ích của các nhóm cử tri nghèo, không hề có năng lực vận động chính sách? Vì vậy, Đại biểu dân cử chắc phải quan tâm bảo vệ quyền lợi của dân nghèo trước hết. Điều này hết sức quan trọng nếu muốn xây dựng xã hội ổn định, vũng chắc…

– Theo ông thì cái gì ảnh hưởng tới quyền lợi người dân nhiều nhất?

+ Luật pháp không minh bạch! Nguyên nhân từ việc lập pháp hoặc việc thực thi pháp luật. Chẳng hạn, vì sức ép hội nhập mà Quốc hội làm luật chạy theo số lượng nên chất lượng thường không cao. Nên không khéo thì dân khinh nhờn luật, quan cũng khinh thường luật; khi ấy việc giáo dục lại cho dân chúng trọng luật sẽ tốn kém và khó hơn nhiều. Luật pháp dở là món nợ của người nghị sỹ với nhân dân và con cháu mai sau. Nhưng nhiều khi luật tốt lại bị méo mó bởi các quy chế hành chính, công văn hướng dẫn hành chính và thậm chí là cả chỉ thị miệng. Điều này ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người dân bởi “rừng luật” không biết đường nào mà lần…

– Nhưng nguyên nhân chính vẫn là quan niệm về quyền sở hữu tài sản tư mà nhiều lần ông đã cảnh báo?

+ Đúng! Hãy xem những chính sách úp úp, mở mở về quyền cho bán hay không cho bán nhà, đất dự án; hay quyền ấn định bảng giá đất mới… là thấy ngay! Chỉ có quan viên nhà nước mới có quyền biến đất nông nghiệp thành đất công nghiệp hay đất ở… Những quyền “biến cục đất thành cục vàng” ấy là gì nếu không phải là quyền định đoạt? Thực tế, sở hữu nhà nước không thể đồng nhất với sở hữu toàn dân. Nên nếu cho tư nhân có quyền sở hữu nhà đất thì việc nhà nước cấp sổ đỏ, sổ hồng cho dân sẽ không phải là sự ban phát các quyền tài sản cho họ. Tất cả giấy màu đỏ, hồng, xanh không thể xác lập ra quyền tài sản, cũng như giấy khai sinh không đẻ ra con người…

(St) Theo Nho giáo để tự biết xấu hổ…

– Có thời gian người ta bất ngờ về một người Tây học như ông lại có tác phẩm nghiên cứu sâu sắc về Nho giáo. Tại sao ông cho rằng Nho giáo có thể sẽ là một trong số các chủ thuyết cho pháp luật Việt Nam đương đại?

+ Nho giáo là một cách sống, một triết lý sống mà theo nó thì con người cảm thấy thoải mái, thái bình: từ chuyện nhỏ trong gia đình, trong dòng họ, chuyện ngòai làng cho tới quốc gia đại sự. Thứ triết lý này đã là nền tảng cho xã hội Việt Nam từ hàng nghìn năm nay; đã đi sâu vào tâm thức người dân, sâu thẳm và tự nhiên đến nỗi không có dấu vết nào của văn hóa Việt Nam… mà không có tính chất Nho giáo. Con người suy nghĩ như thế nào thì hành xử như vậy. Muốn hiểu luật pháp và cách thức tổ chức xã hội Việt Nam, phải hiểu lịch sử hình thành tư tưởng Việt Nam mà Nho giáo là một trong những nền tảng đó…

– Nhưng điều đó sẽ có lợi gì, thưa ông?

+ Sự điều chỉnh của pháp luật và phương pháp của Nho giáo tác động đến hành xử của con người Việt Nam. Xây dựng pháp luật mà dựa trên sự tương tác đó thì pháp luật nước ta sẽ ngày càng gần với cuộc đời hơn. Điều này người Nhật, người Hàn, Hoa kiều, (và bây giờ là người Hoa trong đại lục) đã và đang làm. Họ làm giàu mà không phá vỡ triết lý sống cổ truyền này. Bởi vậy, học lại triết lý truyền thống để giải thích nhà nước và pháp luật chính là học cách suy nghĩ cổ truyền của ông cha để cắt nghĩa những hiện tượng thời nay. Nếu không, mọi tư tưởng vay mượn từ bên ngòai rồi sẽ bị lãng quên như cơn mưa bụi trong lịch sử nghìn năm văn hiến.

– Theo ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Bác Hồ từng nói: “Chúng ta không gạt bỏ tất cả học thuyết của Khổng Tử mà phải chọn lọc, tiếp thụ những cái tốt đẹp nhất, để làm giàu cho mình, cho con cháu mình mai sau…”. Theo ông thì điều gì cần chọn lọc, tiếp thu ở Nho giáo?

+ Nhiều lắm! Cụ thể là tư tưởng “lấy dân làm gốc” như “Dân vi quý, xã tắc thứ chi…” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dịch là: “Lợi ích của dân trước hết, thứ đến lợi ích quốc gia…”; hay “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng…”. Triết lý sống của Nho giáo về cơ bản dựa trên ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; mà căn bản đầu tiên là chữ nhân. Nho giáo là một nền tảng cho sự tự tu tỉnh, tự tiết độ, giữ gìn liêm sỉ và tư duy trị nước truyền thống. Nho giáo xem đạo đức là nền tảng cho chính trị…

– Nhưng phải làm sao khi quản lý xã hội bằng pháp luật là áp đặt, khác hòan tòan với phương pháp tự nguyện như Nho giáo, thưa ông?

+ Nho giáo “dứt được điều ác từ lúc chưa nảy mầm để cho dân ngày ngày gần điều thiện, xa tội lỗi…” một cách tự nguyện. Đây chính là một điểm then chốt làm cho pháp luật trên giấy trở lại ngày càng gần hơn với những suy nghĩ và nguyện ước của người dân. Chỉ có như vậy luật pháp mới sống lâu bền trong tâm thức nhân dân…

– Ông có thể nói tác dụng cụ thể nhất khi học và làm theo những điều tiến bộ của Nho giáo?

+ Theo tôi, con người học và làm theo Nho giáo là để kiềm chế dục vọng, để biết xấu hổ, biết liêm sĩ trong hành xử của mình. Trong kinh doanh thì giữ chữ tín… Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta cho xây Văn miếu Quốc tử giám. Tôi được một người cắt nghĩa rằng “Văn miếu” nghĩa là “Văn Tuyên Vương Miếu”, là miếu thờ ông Vương có công khai thông văn hóa, đúc kết để mọi người…làm người!

– Vậy theo ông những gì cơ bản nên gạt bỏ ở Nho giáo?

+ Nho giáo từ đời Hán bị xuyên tạc để củng cố quyền lực của người cai trị. Chữ “trung, hiếu, tam tòng, tứ đức” đôi khi đến mức quái gở. Ví dụ địa vị của phụ nữ: ở nhà thì vâng lời cha mẹ, cha mẹ đặt đâu thì ngồi đó, không được tự nguyện yêu đương và kết hôn, lấy chồng thì vâng lời chồng, chồng chết thì theo con… Nho giáo vì thế mà dần trở thành bảo thủ, tự mãn, chống lại đổi mới về kinh tế và chính trị. Bên cạnh những “khuôn vàng, thước ngọc” giữ cho xã hội bình yên, Nho giáo cũng tạo ra gông cùm và xiềng xích làm cho xã hội trở nên lạc hậu so với bên ngòai. Điều trọng yếu là cần nhận diện rõ những phản động lực đó và hạn chế tác hại của chúng thì Nho giáo mới có ích cho đời sống ngày nay.

(St) Phải biết hy sinh lợi ích cục bộ!

– Ông đã học ở nước ngòai nhiều, vậy theo ông cái gì thiếu ở giáo dục của Việt Nam nói riêng, xã hội nói chung?

+ Các trường đại học nước ta yếu, trở thành “ngoại hạng” vì chưa bao giờ dám so mình với thế giới. Chúng ta không chỉ thiếu tiền mà thiếu cả dũng khí dám nhìn thẳng vào sự thật. Ngơ ngác trước thời thế mới nên không hiếm khi người ta đóng cửa trong những quán tính cũ mà làm cho nền giáo dục ngày càng dị biệt với bên ngòai. Nhiều khi chúng ta tự hào một cách mù quáng về mình chứ thực tế người Việt xuất hiện trên văn đàn quốc tế rất ít…

– Vậy phải làm sao, thưa ông?

+ Giáo dục! Chúng ta hay có hiện tượng “Một người ốm bắt cả làng uống thuốc”. Bộ Giáo dục và Đào tạo lo lắng quá mức, nghĩ thay cho các trường từ chương trình khung đến định hướng giáo khoa, giáo án… Sự can thiệp rộng khắp đó làm cho nhà trường, nhà giáo thiếu đi tự tin, thiếu sáng tạo, thiếu cạnh tranh, và thiếu cả trách nhiệm với người học. Vì vậy, cần trả lại sự tự quản cho trường và tự do nghiên cứu giảng dạy cho nhà giáo. Nếu không làm như vậy thì ngân sách cho giáo dục năm nào cũng gia tăng và “những cây đu đủ đực vẫn được bón phân đều đều mà chẳng thể kết trái”…

– Ông thấy điều khác biệt cụ thể nào giữa trường học của Việt Nam và các trường tiên tiến trên thế giới?

+ Ở ta, ngay hình thù các trường Đại học mang tính chất hành chính cao độ. Cụ thể, đằng sau cổng trường, đẹp nhất là sừng sững các khu điều hành hành chính. Thư viện thì nhỏ, sách vở nghèo nàn và thời gian mở cửa cũng gần như giờ hành chính nên nó chẳng khác công sở là bao. Giảng đường ở ta thì ghế gỗ cứng, chật hẹp và bục giảng của thầy cao hơn vị trí ngồi của trò. Trong khi đó, ở các trường đại học danh tiếng như Stanford, Harvard, MIT thì vị trí trang trọng nhất là thư viện. Giảng đường thì chỗ ngồi của trò cao hơn bục giảng của thầy và điều đó thể hiện quan hệ thầy trò dân chủ hơn. Người học không quen xưng con, xưng em với thầy, càng không có đồng phục cho sinh viên đại học.

– Ông đã làm gì trong bối cảnh đó để giúp học trò của mình?

+ Sáu chục năm trước, Chủ tịch Hồ chí Minh từng nói “lấy tự học làm cốt”. Thời đại ngày nay phải chủ yếu tự học nên tôi chỉ đóng vai trò hướng dẫn sinh viên tìm và xử lý thông tin, kiến thức mà thôi. Trên trang WEB cá nhân của mình, tôi thông báo trước lịch học, nội dung và cách thức học… Tất cả những tài liệu tham khảo liên quan cũng có trong đó và sinh viên cứ theo đó mà chuẩn bị bài. Thường sinh viên của tôi chỉ thực hiện các bài luận và tranh luận thôi…

– Ông có nghĩ rằng nhiều khi chính chúng ta “ngáng chân nhau” trong phát triển?

+ Đúng! Về văn hóa thì hình như lâu nay chúng ta nhiều khi “lưu vong trên chính mảnh đất văn hóa của mình”.

– Ồ! sao vậy, thưa ông?

+ Bạn có biết có hàng vạn cuốn sách viết về Việt Nam, bằng cả tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Anh ở tầng hầm thư viện Đại học Harvard hay không? Thật xấu hổ khi những cuốn sách hay nhất về văn hóa, lịch sử, pháp luật của Việt Nam lại do người nước ngoài soạn. Hiện nay không ít người vọng ngoại về văn hóa thái quá mà quên rằng nhiều thứ văn hóa ngoại lai ấy là cặn bã. Đúng ra người Việt phải tôn trọng văn hóa Việt nhiều hơn vì có vô số điều đặc sắc và giá trị…

– Ông đã nhiều lần viết lên báo những nghiên cứu của mình về luật học, về các vấn đề giáo dục, văn hóa, xã hội… rất thẳng thắn. Ông không ngại đụng chạm đến ai đó à?

+ Người ta bảo trí thức nghĩa là người hiểu biết và dùng sự hiểu biết của mình để thức tỉnh xã hội, cảnh tỉnh số đông. Sở dĩ tôi nói ra rất thẳng thắn là vì tính chân thực rất cao. Mặt khác, tôi luôn nói trên cơ sở khoa học và trách nhiệm xây dựng… Tôi chỉ cố xoay sở để làm đúng cái việc mà người ta mong đợi ở một thầy giáo thời nay mà thôi!

– Thế ông sợ nhất điều gì?

+ Bi kịch của nội tâm! Nhiều tự hào làm nghề thầy, song buồn khi xã hội có không ít nhà giáo suy giảm đạo đức, chuẩn mực. Thật đau lòng khi thấy đâu đó thầy gạ tình học trò; thầy ép học trò trong việc chấm điểm để lấy tiền… Tôi vui và cũng buồn vì nghề làm thầy giáo của tôi. Hơn nữa trò cũng cố gắng học mà việc xin việc thật khó khăn, những cố gắng của tuổi trẻ dường như đôi khi chưa được xã hội đền bù xứng đáng. Tôi chỉ sợ chúng tôi cố gắng dạy và học luật, song trong cuộc sống thực tiễn thì thứ luật trên giấy đó ít được sử dụng, sinh viên của chúng tôi có học mà chẳng có nghề. Nếu điều này kéo dài, tôi e rằng thực hiện được cái điều “dạy không biết mỏi” chắc là rất khó.

– Theo ông tại sao luật của chúng ta vẫn nhiều rối rắm, sơ hở…?

+ Vì nhiều vấn đề chưa được quan tâm giải quyết tới cái gốc của nó. Ví dụ tham nhũng bắt nguồn từ gốc quyền lực nên chống tham nhũng thì phải giám sát được quyền lực trước. Cấp giấy hồng, đỏ, xanh không tạo nên sở hữu mà quan trọng là phải công nhận sở hữu tư nhân về nhà đất…

– Ông có bi quan về sự phát triển quá chậm của nước ta?

+ Tôi không quá bi quan vì chúng ta có những lợi thế riêng. Qua khảo sát ở Đức, cứ 100 học sinh học giỏi nhất thì đứng đầu vẫn là người Việt. Chúng ta đang sở hữu một tiềm lực lớn là sự thông minh của người Việt. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải sớm nhận ra và có cơ chế giải phóng tiềm lực đó. Theo tôi, quan trọng ở chỗ mỗi người phải biết hy sinh lợi ích cục bộ của mình. Tôi nghĩ quan viên nhà nước nên làm gương trước để làm ra thứ luật vang vọng tiếng dân và…mọi chuyện sẽ khác!

– Xin cám ơn ông!

 

Box: PGS TS Phạm Duy Nghĩa làm nghề dạy học tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đức năm mới 26 tuổi. Ông cũng từng học, nghiên cứu luật ở nhiều nước. Các tác phẩm tiêu biểu: Vietnamese Business Law in Transition (2002), Chuyên khảo Luật kinh tế (2004), Nho giáo trong tương lai pháp luật Việt Nam (2005), Luật Doanh nghiệp: Tình huống phân tích, bình luận (2006)

Leave a comment