“Tập trung gỡ bỏ những thứ làm khó dân!”Entry for May 18, 2007

Đại tá Lê Thanh Bình – Phó giám đốc Công an TP.HCM:

“Tập trung gỡ bỏ những thứ làm khó dân!”

TAM MAO thực hiện

Xây dựng luật; giám sát công cuộc cải cách hành chính; chống tham nhũng; công tác tổ chức cán bộ; bảo vệ an ninh trật tự … phải lấy nền tảng “Cái gì có lợi cho dân thì kiên quyết làm; cái gì có hại cho dân thì kiên quyết tránh” là trọng tâm chương trình hành động của ứng cử viên, Đại tá Lê Thanh Bình…

Ông Bình nói: “Không phải bây giờ ra ứng cử Đại biểu Quốc hội thì tôi mới nói về việc thực hiện phương châm “cái gì có lợi cho dân thì kiên quyết làm…”. Nhiều năm qua, Ban giám đốc Công an TP.HCM chúng tôi đã chủ trương: Ngòai việc thực hiện tốt chức năng bảo vệ an ninh trật tự thì đơn vị nào của Công an TP.HCM thường xuyên tiếp xúc với dân đều phải sửa đổi lề lối làm việc, cải cách mạnh thủ tục hành chính sao cho có lợi cho dân nhất. Cụ thể như thủ tục cấp hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy tờ xe…

(St) Chủ trương đồng tiền sạch

– Thưa ông, người dân vẫn phàn nàn nhiều về việc Cảnh sát giao thông nhận tiền…?

+ Đó là một thực tế nhức nhối mà nhiều năm qua chúng tôi quan tâm xử lý và không lúc nào lơ là. Máy móc có hiện đại, quy định luật có chặt chẽ, lãnh đạo có nghiêm… nhưng quan trọng vẫn là ý thức của mỗi người. Khách quan mà nói, ở TP.HCM, tình trạng tiêu cực này đã giảm rất nhiều so với mấy năm trước đây, nhưng vẫn còn là do ý thức tu dưỡng của một số cán bộ còn yếu. Mặt khác, chính quy định về thủ tục tạm giữ xe, đóng phạt cũng là một nguyên nhân lớn. Thực tế, người dân ngại mất thời gian chờ lấy biên lai ra kho bạc đóng phạt, rồi lại quay về lấy xe hoặc giấy tờ. Khi bị giữ xe, họ cũng sợ không có phương tiện đi lại… Vì vậy, cũng mất chừng đó tiền (hoặc ít hơn) cho riêng người CSGT ăn hối lộ và việc phải vừa mất tiền, vừa mất thời gian thì không ít người chọn phương án đưa hối lộ mà không quan tâm đến việc cả hai đều vi phạm. Tôi nghĩ, đây cũng là tình trạng chung ở các lĩnh vực hành chính khác mà dư luận vẫn không ngừng lên tiếng. Rõ ràng đây là một thực tế cần phải nghiên cứu tìm biện pháp tối ưu hơn để làm sao cho cả cán bộ và người dân đều tự giác chấp hành luật lệ.

– Vậy theo ông cần phải làm sao?

+ Về phía Công an TP.HCM, chúng tôi luôn tập trung đẩy lùi tiêu cực trong lực lượng nên ngòai việc có những lực lược đặc nhiệm thì rất mong sự tham gia, hợp tác, phản ánh của người dân. Nếu là Đại biểu Quốc hội thì tôi sẽ có ý kiến mạnh để sửa đổi luật làm sao tập trung giảm phiền hà, gỡ bỏ những thứ làm khó cho dân. Một mặt, chúng ta cần phải phát động, giáo dục, quy định làm sao phát huy việc chấp hành luật tự giác chứ không phải xử phạt để trừng trị…

– Người dân thấy có lợi thì họ làm nên trước hết cán bộ phải nghiêm túc để làm gương chứ, thưa ông?

+ Đúng! Tôi cho rằng ở mỗi người cán bộ quan trọng nhất là phải giáo dục họ làm sao luôn giữ mình, luôn sử dụng đồng tiền sạch. Đúng là khó nhưng không phải không làm được vì cán bộ tiêu cực chỉ là một bộ phận “dễ nổi tiếng” trong dư luận mà thôi. Trong lực lượng Công an TP.HCM, có hàng ngàn người ngày đêm âm thầm làm việc, phục vụ dân mà không phải lúc nào công luận cũng biết. Ban giám đốc chúng tôi vẫn thường nói với anh em cái gì cũng có giá của nó. Sử dụng đồng tiền sạch, sống trong sạch thì không phải lo lắng điều gì. Gia đình, vợ con luôn tự hào noi gương làm điều tốt thì sẽ có nền tảng vững chắc. Ngược lại, sử dụng đồng tiền bẩn thì luôn lo ngay ngáy một ngày nào đó pháp luật hoặc dư luận “sờ gáy”. Về nhà vợ con thấy cha tiêu cực để thì dễ coi thường hoặc luôn tìm cách ăn xài vô độ số tiền đó. Nhiều gia đình giàu có từ tiền bẩn chuyển sang tan vỡ vì người thân đâm ra cờ bạc, ma túy…

(St) Luật không thể làm …cho có!

– Những ngày tiếp xúc cử tri để vừa qua ông thấy cử tri quan tâm tới những vấn đề nào?

+ Nhiều nhất là vấn đề chống tham nhũng; sự phân hóa giàu nghèo; thủ tục hành chính; tình hình giá cả tăng trong khi thu nhập của cán bộ công chức và người lao động ở các doanh nghiệp hay chế độ hưu trí vẫn vậy…

– Vậy nếu là Đại biểu Quốc hội thì ông sẽ làm gì?

+ Phải quan tâm các giải pháp đồng bộ. Cải cách hành chính không phải mạnh ai nấy làm nên “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như giấy hồng, giấy đỏ, giấy trắng… Vấn đề phân hóa giàu nghèo, thu nhập không tăng mà giá cả tăng cần nghiên cứu tìm giải pháp ở tầm vĩ mô. Xây dựng luật cũng vậy, cần phải có sự thống nhất chứ không thể để xảy ra tình trạng cát cứ lĩnh vực, cái lợi thì kéo về mình, cái khó khăn chuyển cho ngành khác hoặc người dân!

– Theo ông, chống tham nhũng có nhiều người quan tâm nói lên điều gì?

+ Điều đó chứng tỏ người dân rất yêu thương chế độ, vì không yêu thì chắc chẳng ai lên tiếng làm gì cho mệt. Người dân cũng tin tưởng vào các ứng cử viên, bày tỏ băn khoăn làm sao cho chính quyền gần dân hơn, thực sự của dân, vì dân để ngày càng vững chắc hơn. Chống tham nhũng thì cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tòan dân. Trên mặt trận này mọi người cần có dũng khí. Cử tri cho rằng trước hết kiên quyết thực hiện nghiêm túc Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm. Luật không thể làm ra … cho có! Ngòai ra, theo tôi, tới đây cần xây dựng Luật chống rửa tiền vì hiện tình trạng rửa tiền chưa được kiểm sóat hiệu quả. Thị trường chứng khóan và một số lĩnh vực tài chính khác chưa có định chế chặt chẽ nên tội phạm sẽ lợi dụng rửa tiền, lũng đọan nền kinh tế. Số đó không chỉ từ nước ngòai mà cả trong nước, có thể có cả tiền tham nhũng…

– Có câu hỏi nào của cử tri làm ông băn khoăn nhất?

+ Có câu rằng: “Các đại biểu khóa trước hứa khá nhiều nhưng cũng còn nhiều việc chưa làm được, chưa tới nơi tới chốn. Liệu lần này các ứng cử viên có hứa với chúng tôi như thế không?”. Rõ ràng, chúng ta cần phải bắt tay vào làm, làm hiệu quả chứ không thể nói suông được nữa rồi.

(st) Phát huy sức mạnh đòan kết

– Là người phụ trách lĩnh vực an ninh của Công an TP.HCM, ông có thấy phức tạp?

+ Thực ra phức tạp ở lĩnh vực an ninh trật tự phụ thuộc thế trận lòng dân. Khó cũng ở dân mà dễ cũng ở dân! Luật An ninh nhân dân không chỉ được áp dụng ở trong lực lượng an ninh mà tất cả mọi người dân đều có nghĩa vụ và quyền tham gia. Lo nhất không phải là tình hình tuyên truyền chống chế độ, khủng bố… mà lànhững bức xúc từ các vấn đề dân sinh như điện, đường, trường, trạm… và các vấn đề hành chính, tham nhũng. Qua tiếp xúc, tôi thấy nhiều người dân bày tỏ lo lắng, bức xúc về không ít cán bộ còn xa dân…

– Gần đây, cơ quan an ninh điều tra TP.HCM phá một số vu tuyên truyền chống chế độ… Ông nhận xét gì về điều này và liệu những vụ này có ảnh hưởng tới sự đòan kết dân tộc?

+ Trước hết về sự đòan kết dân tộc thì những vụ này không ảnh hưởng gì. Bởi vì trong khi tòan dân ở trong nước và Việt kiều ở nước ngòai đang làm mọi cách để cùng đưa đất nước vươn lên thì những bị can, bị cáo trong những vụ án này làm ngược lại. Đa số người dân Việt Nam đang được hưởng thụ từ việc ổn định chính trị, xã hội an ninh, trật tự; đang sống chan hòa thì lại có những người kích động chống lại với mục đích cá nhân. Họ không những vi phạm pháp luật mà còn đi ngược với tinh thần đòan kết. Thử hỏi ai có tâm huyết, điều kiện phục vụ người dân chính đáng mà không được làm trên đất nước ta hiện nay đâu?…

– Ông có ủng hộ luật sư tham gia từ giai đọan điều tra không?

+ Tôi hòan tòan ủng hộ, vì như thế sẽ giúp cho chính cơ quan tố tụng khắc phục thiếu sót, củng cố một cách chắc chắn về hồ sơ có tội hay không có tội của bị can, bị cáo. Tôi nghĩ rằng không một cán bộ điều tra, công tố hay xét xử, và cả thi hành án nào muốn làm oan một người dân cả, trừ trường hợp tiêu cực hoặc năng lực yếu. Vì vậy, sự có mặt của luật sư sẽ góp ý, phản biện cho các cơ quan tiến hành tố tụng tốt hơn rất nhiều. Tôi nghĩ rằng cơ quan tố tụng cần phải tận dụng sự tham gia từ đầu của luật sư để giải quyết vụ việc hiệu quả hơn chứ sao lại phải hạn chế họ. Tôi vẫn thường nói với anh em điều tra rằng nếu “sợ” luật sư chứng tỏ năng lực còn yếu. Vì công việc chính của mình chỉ điều tra một lọai tội phạm nên dễ rành rẽ hơn, sao lại phải “sợ”, trong khi luật sư họ bào chữa rất nhiều lọai tội khác nhau. Tôi nghĩ có thể đôi khi điều tra viên phải thụ lý quá nhiều vụ, không có thời gian nên chưa tạo điều kiện tốt cho luật sư tham gia. Điều này đang được khắc phục…

– Xin cám ơn ông!

Ông Lê Thanh Bình sinh năm 1956 tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Ông tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM (Khoa chế tạo máy); Đại học An ninh và Cử nhân chính trị. Năm 1984, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; Năm 30 tuổi (1986), ông giữ chức vụ đội phó rồi đội trưởng phòng An ninh Kinh tế – Công an TP.HCM (năm 1988). Năm 1990, ông được bổ nhiệm Phó phòng An ninh Bảo vệ nội bộ. Năm 1992, ông là quyền trưởng phòng An ninh Kinh tế. Năm 2001 đến nay, ông là Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Công an TP.HCM; giữ chức vụ Phó giám đốc Công an TP.HCM từ năm 2004 với quân hàm Đại tá…

Leave a comment